Một trong những cách tự nhiên và hiệu quả nhất để luyện tập giao tiếp tiếng Nhật là làm thân với người bản xứ và nói chuyện thường xuyên với họ.
Có rất nhiều cách các bạn có thể gặp gỡ, giao lưu và trở nên thân thiết với người Nhật, tuy nhiên không phải ai cũng đạt được kết quả như mong muốn.
Mình nghĩ một phần nguyên nhân là do tính cách của người Nhật khá là đặc trưng, nếu không hiểu rõ sẽ thấy khó hiểu và không muốn làm bạn cùng.
Vì vậy, trong bài viết này, mình sẽ đề cập đến đặc trưng tính cách của người Nhật, chia theo lứa tuổi sinh viên đại học và người lớn tuổi, cùng với cách để thân thiết với từng nhóm dựa theo kinh nghiệm của mình nhé!
Trước hết, người trẻ Nhật ngày nay có những đặc điểm khác biệt so với thế hệ trước - thế hệ được gắn với hình ảnh người Nhật quy củ, kỉ luật, có phần cứng nhắc. Sự thay đổi này diễn ra do ảnh hưởng của phát triển về kỹ thuật, truyền thông, và xã hội. Giới trẻ Nhật Bản ngày nay có những nét tính cách thường thấy như sau:
Giới trẻ Nhật ngày nay
Cởi mở hơn với người nước ngoài và các nền văn hoá khác: Giới trẻ Nhật là thế hệ lớn lên trong thời đại công nghệ số, thành thạo các thiết bị điện tử và mạng xã hội. Họ dễ dàng tiếp cận thông tin, có điều kiện làm quen với các nền văn hoá khác từ sớm nên người trẻ Nhật sẽ cởi mở với người ngoại quốc hơn thế hệ trước.
Tính cá nhân hoá: Giới trẻ Nhật ngày nay có xu hướng biểu đạt bản thân theo cách riêng của mình. Họ tự do thể hiện sự đa dạng và cá nhân trong phong cách sống, thời trang, sở thích và lựa chọn nghề nghiệp
Quan điểm xã hội tiến bộ: Người Nhật trẻ ngày nay thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới những vấn để như quyền bình đẳng giới, đa dạng giới tính. Họ cũng có xu hướng tích cực tham gia vào hoạt động xã hội và hoạt động tình nguyện
Quan hệ xã hội và hôn nhân: Người Nhật trẻ hiện nay thường trì hoãn kết hôn và có gia đình hơn so với thế hệ trước. Họ thường chọn tập trung vào sự nghiệp hoặc cuộc sống cá nhân hơn.
Cách để trở nên thân thiết với giới trẻ Nhật
Sau khi đã hiểu vài nét chung về tính cách của người trẻ Nhật, chúng mình cùng đi vào tìm hiểu các cách để trở nên thân thiết với các bạn cùng trang lứa nhé !
Ở trong trường, mình thường tìm đến các sự kiện giao lưu văn hoá, tổ chức đoàn thể sinh viên, các câu lạc bộ trong trường để tìm cơ hội làm quen với các bạn người Nhật, đồng thời tăng tần suất sử dụng tiếng Nhật hằng ngày của mình.
Ngoài ra, trong quá trình làm thêm, mình luôn chủ động bắt chuyện và làm quen với các đồng nghiệp để họ không cảm thấy ngần ngại trước người nước ngoài và dần cởi mở hơn với mình.
Tuy nhiên, nếu như chỉ tiếp cận các bạn trẻ Nhật và bắt đầu cuộc trò chuyện bằng vài câu xã giao, đơn giản như mình quê quán của mình, trao đổi văn hoá, học tiếng Nhật như nào thì thường khó thân với đa số các bạn sinh viên Nhật.
Trong một số trường hợp nếu các bạn sinh viên ấy có hứng thú và muốn tìm hiểu kĩ hơn về đất nước của mình thì những chủ đề như trao đổi văn hoá cũng đủ để họ muốn thân thiết và nói chuyện thêm.
Nhưng để có thể thân với những bạn “thuần Nhật" hơn thì chúng mình cũng cần tìm hiểu về văn hoá giới trẻ. Một số việc mình đã làm để các bạn Nhật cảm thấy mình dễ gần hơn là:
Tìm hiểu về ngôn ngữ giới trẻ
Có kiến thức về showbiz Nhật Bản bằng cách xem phim truyền hình, nghe nhạc, xem phim Nhật
Tìm xem các kênh YouTube thịnh hành với giới trẻ Nhật
Luyện các từ ngữ để giới thiệu về văn hoá Việt Nam
Nói về các chủ đề liên quan tới khác biệt văn hoá, quan điểm sống của người Nhật và người Việt
Tính cách của người cao tuổi ở Nhật
Trong phần tiếp theo, mình sẽ chia sẻ về tính cách và cách để thân thiết với người cao tuổi ở Nhật nhé.
Tính cách của người lớn tuổi đa phần sẽ giống với những hình ảnh chúng mình thường có về người Nhật. Họ là những người:
Kỷ luật và kiên nhẫn: những người ở thế hệ trước cho mình thấy một nếp sống quy tắc, kỉ luật và coi trọng đạo đức
Có sự tôn trọng đối với người xung quanh: họ rất coi trọng sự điềm đạm trong giao tiếp và cử chỉ hành vi của mình để không làm phật ý người xung quanh
Cẩn thận chi tiết: qua quan sát những người lớn tuổi đi làm tại các văn phòng quận hoặc cửa hàng, mình thấy họ đều rất chi tiết và tỉ mẩn tới mức người Việt phải thốt lên là “tốn thời gian". Thế nhưng ngược lại, nhờ tính cách cẩn thận như vậy mà sai sót thường rất ít khi xảy ra đặc biệt là trong những văn bản hành chính ở Nhật
Khiêm tốn: người Nhật thường tỏ ra khiêm tốn và không thích tỏ ra mình vượt trội hoặc tự cao. Họ coi trọng sự hài hoà trong tập thể hơn thay vì sự thể hiện cá nhân
Cách để thân thiết với người cao tuổi ở Nhật
Đối với mình, việc nói chuyện với người cao tuổi ở Nhật là một level hoàn toàn khác vì họ có phát âm khó nghe và dùng nhiều từ mình không biết (ở một số nơi như Kyoto, người cao tuổi phát âm rất khó nghe do ảnh hưởng của giọng địa phương).
Mặc dù vậy, một khi các bạn đã nghe được họ nói gì thì đó cũng là lúc khả năng nghe hiểu tiếng Nhật đã lên rồi đó.
Để làm quen và trở nên thân thiết với người lớn tuổi ở Nhật có một vài cách mình đã áp dụng như sau:
Tham gia vào các chương trình homestay tại những địa phương ở Nhật: rất nhiều người Nhật có hứng thú với văn hoá nước ngoài và mong muốn được gặp gỡ trò chuyện với du học sinh, vậy nên họ thường đăng kí với các trường đại học để tham gia vào những hoạt động trao đổi văn hoá như vậy.
Chủ động hỏi thăm, bắt chuyện: khoảng thời gian làm thêm ở cửa hàng tiện lợi đã cho mình rất nhiều cơ hội nói chuyện với người lớn tuổi ở khu mình sống. Người cao tuổi rất thích trò chuyện, tâm sự về bản thân nên khi được hỏi thăm, họ sẽ rất vui và sẵn sàng nói chuyện với bạn (mặc dù là cũng có những người nói khá nhiều haha)
Tìm hiểu tiếng địa phương: mình cho rằng một trong những cách để rút ngắn khoảng cách nhất là nói ngôn ngữ của đối phương. Chính vì vậy, trong khoảng thời gian ở Kyoto mình đã tìm hiểu và bắt chước cách nói của người Kansai. Sau đó, mình nhận thấy những người mình từng nói chuyện thoải mái và cởi mở với mình hơn
Đừng quên lễ nghĩa: như mình đã nói trong bài trước, người Việt không có thói quen nói cảm ơn, xin lỗi nhiều như người Nhật. Người cao tuổi ở Nhật còn coi trọng lễ nghĩa hơn rất nhiều lần, vì vậy khi được giúp đỡ, hay lỡ làm phiền họ hãy luôn ý thức việc nói cảm ơn và xin lỗi nhé, họ sẽ có thiện cảm với chúng mình hơn đấy
Kể về trải nghiệm du học của mình: một trong những chủ đề mình thường dùng để nói chuyện với các ông bà người Nhật là trải nghiệm du học của mình. Đa phần họ là những người chưa từng được đi nước ngoài, hoặc đi học ở nước khác nên họ rất tò mò về việc rời xa gia đình để tới Nhật học, học tiếng Nhật như thế nào, v.v.
Người cao tuổi có vẻ khó thân thiết hơn do một số người tỏ ra e ngại, dè chừng với người nước ngoài.
Đây là một điều hiển nhiên vì thời đại của họ không được tiếp xúc nhiều với truyền thông và mạng xã hội như giới trẻ.
Tuy nhiên, một khi đã thân thiết thì họ có thể đối xử với bạn như người trong nhà vậy.
Trên đây là một vài điểm về tính cách, cách trở nên thân thiết với người Nhật mà mình liệt kê ra dựa vào trải nghiệm của mình.
Dù cho có đọc bao nhiêu sách, xem bao nhiêu chương trình mà không thể thực hành với người bản xứ thì khả năng tiếng Nhật cũng không khá lên được.
Vì vậy, hãy đừng ngại mà tìm cơ hội giao tiếp với người Nhật để trở nên dạn dĩ hơn khi nói tiếng Nhật, cũng như mở rộng vòng tròn quan hệ của mình ở đất nước mới mẻ này nhé.
Chúc các bạn gặp được những người bạn tốt và có nhiều kỉ niệm khó quên khi đi du học Nhật !
Các trang web Tìm việc làm osusume tại Nhật
【Arubaito】 https://bit.ly/46dDABP
【App tìm việc làm 】 https://bit.ly/3CKpkD6
【Kỹ sư】 https://bit.ly/46vTjMK
【Hỗ trợ tìm việc làm】https://bit.ly/3prJUou
Nhà văn bài văn này
Konnichiwa! 👋🏻
Chào mọi người, tớ tên là Linh, du học sinh tại Nhật Bản.
Tớ đã sang Nhật từ tháng 9, 2018 và dành 4 năm ở Kyoto trước khi chuyển lên Tokyo!
Tớ mong những kinh nghiệm đúc rút trong 5 năm tại Nhật sẽ có ích cho các cậu 🌷🌟
Cá nhân em thấy đúng ạ. Thầy cô em là những giáo viên người Nhật, tuy họ dạy sinh viên thì vẫn phải tỏ ra thân thiên và dễ gần nhưng em vẫn thấy có một chút "khó tiếp cận", có lẽ là do sự khác biệt văn hoá giữa hai nước. Blog rất hay ạ 🤗