Nửa năm đi làm ở Nhật dạy cho mình điều gì
top of page
  • Ảnh của tác giảLinh

Nửa năm đi làm ở Nhật dạy cho mình điều gì


Nửa năm đi làm ở Nhật dạy cho mình điều gì  1

Chào các bạn, không biết các bạn còn nhớ mình không?

Mình là Linh, đã từng xuất hiện trên một video youtube của PPK và là người hỗ trợ cho PPK với các bài dịch trên trang blog này đấy! Bên cạnh đó, mình còn là sinh viên vừa tốt nghiệp đang đi làm tại một công ty Nhật tới nay mới tròn 6 tháng.

Mặc dù thời gian đi làm chưa nhiều, song với kinh nghiệm đi làm thêm thời sinh viên và 6 tháng đi làm, mình muốn chia sẻ tới các bạn 5 điều ít ai nói với các bạn về môi trường công sở ở Nhật.


Lời chào là điều tối thiểu

 Cũng như người Việt, người Nhật rất đề cao phép tắc, đặc biệt là chào hỏi.

Mặc dù nghe rất đơn giản, nhưng theo mình thấy không phải ai cũng làm được điều này.

Lời chào ở đây có nghĩa là câu chào “Hajimemashite" (Xin chào trong lần đầu gặp), là câu “otsukaresama desu" (Bạn đã vất vả rồi) nói trước giờ tan làm, và câu “Ohayo gozaimasu" (lời chào với đồng nghiệp mình gặp lần đầu tiên trong ngày).

Mình nhận ra rằng chỉ cần các bạn làm tốt được điều này, đồng nghiệp cũng sẽ thấy mến bạn hơn đó.


Thẳng thắn nói “không biết" 

 Một điều mình luôn ngại nói là “không biết" vì sợ mọi người sẽ cho rằng mình kém cỏi và không được việc.

Thế nhưng có một người đồng nghiệp đã nói với mình như thế này: “Nếu cứ tiếp tục giấu điều mình không biết, em sẽ làm việc trong trạng thái không biết đó.

Đến một lúc điều em không biết dẫn đến lỗi sai dù lớn dù nhỏ gì cũng sẽ gây ảnh hưởng cho mọi người.

Vì vậy, chi bằng bây giờ em thẳng thắn nói điều mình không biết, mọi người sẽ tận tâm dạy cho em, khi ấy em lại càng phát triển và trở thành một nhân viên xuất sắc hơn trước”.

Thế nên, hãy hỏi bất cứ điều gì mình không biết để được giải đáp và trở thành một nhân lực quan trọng của công ty nhé.


Nói gì cũng được, hãy tích cực nói chuyện với mọi người

 Theo như mình trải nghiệm, người Nhật thường khá ngại bắt chuyện với người nước ngoài.

Bỏ qua những người vốn không có hảo cảm với người nước ngoài, đa phần còn lại mình nghĩ do họ không biết nên nói gì với chúng mình, và không biết mình có thể nói được chừng nào.

Dù là người có tính cách nhút nhát, hướng nội, nhưng mình luôn tự nhủ nếu mình không tự tạo môi trường làm việc cho bản thân thì ai sẽ làm điều đó. 

Vậy nên, mình đã đi hỏi một tiền bối mà có thể nói chuyện với bất kì ai cách có thể làm được điều đó.

Tiền bối đó đã bảo mình nói gì cũng được, về công việc, hay dễ hơn là hỏi về chính người đó.

Các bạn có thể hỏi “Shigoto junchou desuka" (công việc của người đó có suôn sẻ không), “Kyou nanji made desuka" (hôm nay mấy giờ người đó tan làm) và họ sẽ mở lòng chia sẻ với bạn. 


Hãy ghi lại những điều được dạy vào một quyển memo nhỏ


Nửa năm đi làm ở Nhật dạy cho mình điều gì 2

Trong khoảng thời gian training trước khi làm chính thức, mình luôn được nhắc nhở là được dạy cái gì hãy ghi vào memo ngay nhé.

Mình nhận thấy rất nhiều người Nhật có thói quen này.

Họ sẽ giữ một cuốn sổ nhỏ để ghi lại những gì được dạy và điều này có thể ghi điểm trong mắt cấp trên của các bạn, vì điều đó chứng tỏ bạn có lắng nghe điều họ dạy và nỗ lực nhớ chúng.

Mặc dù nhiều bạn sẽ bảo không cần ghi xuống vì có thể nhớ luôn, mình lại thấy nếu ghi xuống thì sau này dẫu bạn có quên điều đó vẫn có thể tự mình tra lại. 


Không cần quá áp lực về tôn kính ngữ và khiêm nhường ngữ


Nửa năm đi làm ở Nhật dạy cho mình điều gì 3

Cuối cùng là điều mà bất cứ du học sinh nào cũng ngần ngại (vì hằng ngày chúng ta không dùng đến mà phải không?) chính là “keigo" (thể lịch sự trong tiếng Nhật).

Mỗi khi mình nhận điện thoại hoặc được hướng dẫn bởi nhân viên ngân hàng, mình luôn tự hỏi liệu mình có bao giờ nói tôn kính ngữ trôi chảy được như họ không, hay là nếu không nói được như thế mình sẽ không được tuyển dụng không.

Thế nhưng sự thật là chính người Nhật cũng chật vật với tôn kính ngữ.

Vậy nên, các bạn không cần quá áp lực nếu mình không nói được tôn kính ngữ (nhưng nếu nói được thì siêu nha). 

Khi nói chuyện với sếp hay với khách hàng, chỉ cần dùng thể masu, desu là đủ lịch sự rồi.

Hơn nữa, trong quá trình làm việc, các bạn sẽ dần quen với việc dùng tôn kính ngữ ngay thôi.

Nhưng trước khi dành tâm trí cho tôn kính ngữ, hãy tập trung tiếp nạp những kiến thức cần thiết trong công việc trước nhé! 


Trên đây là 5 điều mình nhận thấy sau khi đi làm nửa năm ở Nhật.

Những điều này có thể đúng với một số người, song lại không đúng với nhiều bạn khác do tính chất công việc và văn hoá công ty khác nhau.

Nếu các bạn có kinh nghiệm nào muốn chia sẻ, hãy comment để mọi người biết và tận dụng trong công việc nhé! Chúc các bạn công việc luôn suôn sẻ!


Bài viết recommend của Linh👇

Kinh nghiệm của minh khi sống trong sharehouse tại Tokyo


sharehouse tại tokyo


 

Nhà văn bài văn này


Konnichiwa! 👋🏻

Chào mọi người, tớ tên là Linh, du học sinh tại Nhật Bản.

Tớ đã sang Nhật từ tháng 9, 2018 và dành 4 năm ở Kyoto trước khi chuyển lên Tokyo!

Tớ mong những kinh nghiệm đúc rút trong 5 năm tại Nhật sẽ có ích cho các cậu 🌷🌟

0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả
bottom of page